Sidebar

Magazine menu

30
Tue, Apr

Trường ĐH Ngoại thương phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế CIECI 2023

Hợp tác quốc tế

Ngày 24/11/2023, Trường ĐH Ngoại thương phối hợp với các trường đại học trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo quốc tế Hợp tác và Hội nhập trong Kinh tế quốc tế (CIECI 2023) với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hướng tới chuyển đổi số và phát triển bền vững” tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội.

Hội thảo là kết quả phối hợp tổ chức giữa Trường ĐH Ngoại Thương; Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội; Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam); Trường ĐH Adelaide (Úc); Trường ĐH Salento (Ý); Trường ĐH Rangsit (Thái Lan); Trường ĐH Sofia (Bulgaria) và Trường Đại học Saint-Louis – Bruxelles (Bỉ).
Tham dự hội thảo, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng Nhà trường; TS Vũ Huyền Phương - Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học, cùng các thầy cô giáo giảng viên, sinh viên của Nhà trường.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả quốc tế, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.


Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các giảng viên trong nước cũng như quốc tế. Gần 50 bài viết chất lượng gửi đến hội thảo tập trung vào bốn chủ đề chính: (i) Chuyển đổi số và Đổi mới trong GVC;(ii) Thực hành Bền vững trong GVC; (iii) Các vấn đề về Năng lực phục hồi và Quản trị trong GVC và (iv) Mô hình, Đặc điểm và Chính sách của GVC.


Hội thảo diễn ra với 2 phần trình bày tham luận, 1 tọa đàm bàn tròn và 05 phiên thảo luận song song. Tham gia phiên tọa đàm bàn tròn, PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương đã cùng các đại diện từ những cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các chuyên gia đến từ các trường đại học trong nước và quốc tế thảo luận và đánh giá những biến động của nền kinh tế thế giới như đại dịch Covid 19, khủng hoảng năng lượng, căng thẳng chính trị và những xu thế mới như cách mạng công nghệ 4/0, chuyển đổi số, xu hướng phát triển bền vứng có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển và định hình lại GVC. Các nội dung liên quan đến thuận lợi và thách thức của các nhóm nước phát triển và đang phát triển trong việc tích hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số trong GVC cũng sẽ được thảo luận. Đặc biệt, những chính sách hỗ trợ khả năng phục hồi và tính bền vững của GVC sẽ là chủ đề quan trọng được thảo luận và chia sẻ tại các phiên thảo luận bàn tròn.