Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

Hội thảo Khoa học: "Khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Sáng ngày 10/06/2016, Hội thảo Khoa học Quốc tế "Khai thác Tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch" được tổ chức tại Trường Đại học Ngoại Thương, Hà Nội.

Hội thảo Quốc tế do 4 đơn vị phối hợp tổ chức là Tổng cục du lịch Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Ngoại Thương và Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.

Tới tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Bà Francesca Toso, Tư vấn viên cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Campuchia, Tom Corrie – Phó trưởng Ban Hợp tác Phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các đại sứ nước ngoài tại Việt Nam như Pháp, Srilanka, Campuchia, Indonesia...

Ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) 

 
TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam

Về phía các đơn vị tổ chức có sự tham dự: Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), TS Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, PGS, TS Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, và các Sở Khoa học Công nghệ, Sở Du lịch, các Doanh nghiệp Du lịch, các trường Đại học, Viện Nghiên cứu.

Về phía trường Đại học Ngoại Thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và các giảng viên trường Đại học Ngoại Thương.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo Quốc tế, PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương khẳng định sự cần thiết phải khơi dậy tiềm năng về tài sản trí tuệ địa phương của Việt Nam là một lợi thế động, tạo ra những bước phát triển đột phá cho ngành Du lịch Việt Nam chứ không thể dựa vào những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên trong thời gian vừa qua.

Từ trái qua phải: TS Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương, Bà Francesca Toso - Tư vấn viên cao cấp của WIPO

Cùng với quan điểm của PGS, TS Bùi Anh Tuấn, trong bài phát biểu tại Hội thảo, Bà Francesca Toso, Tư vấn viên cao cấp của WIPO cho rằng trên Thế giới, rất nhiều địa phương đã phát triển những tên gọi trở thành biểu tượng văn hoá. Vấn đề này không chỉ truyền tải và bảo vệ các giá trị độc đáo, nghệ thuật, lịch sử, chất lượng cuộc sống, sự năng động, tinh thần đổi mới sáng tạo... của địa phương mà còn là một công cụ hữu hiệu để phát triển du lịch bền vững. Những tài sản này, vốn là tài sản chung của cả cộng đồng, đang trở thành hàng hoá quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời trở thành và tạo nên điểm khác biệt cũng như dấu hiệu nhận biết của địa phương đó trên bình diện quốc gia và quốc tế.

Từ trái qua phải: PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương, PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý khoa học trường Đại học Ngoại Thương

Từ trái qua phải: PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương, PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý khoa học trường Đại học Ngoại Thương

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, chia sẻ và thống nhất rằng, trải qua hơn 4000 năm lịch sử, với sự phong phú, đa dạng và chiều sâu văn hoá của những sản vật địa phương cũng như những di sản văn hoá phi vật thể khác, Việt Nam có nhiều tiềm năng về tài sản trí tuệ địa phương chưa được khai thác. Nhiều địa danh đẹp hay những thành phố du lịch nổi tiếng như: Quảng Ninh, Phong Nha, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc đều đã có tên gọi hay biểu tượng gắn với những nét văn hoá, những sản vật địa phương, đang được sử dụng rộng rãi nhưng không có tiêu chuẩn và thông điệp thống nhất đi kèm để trở thành một biểu tượng chung cho điểm đến, có thể mang lại nguồn lợi to lớn cho địa phương. Để làm được vấn đề này, cần có một cơ chế của Nhà nước, nhận thức và nỗ lực của các địa phương và sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu.

Hội thảo Khoa học Quốc tế "Khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch" chính là sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành với các cơ quan nghiên cứu để xây dựng một cơ chế phối hợp, đưa những kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Thông tin chi tiết về hội thảo, xin liên hệ:

Phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Ngoại Thương

91 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 04.32595158 - Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.