Sidebar

Magazine menu

24
Wed, Apr

Hội thảo quốc tế “Thương mại và Bảo vệ môi trường biển: Thực trạng và triển vọng của luật pháp quốc tế, khu vực và quốc gia”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Trong hai ngày 06/04 và 07/04/2023, Trường ĐH Ngoại thương Việt Nam đã phối hợp với ĐH Tours và ĐH Rennes 2 (Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế về “Thương mại và Bảo vệ môi trường biển: Thực trạng và triển vọng của luật pháp quốc tế, khu vực và quốc gia”.

Hội thảo đã nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO trong khuôn khổ Chương trình WTO Chair tại FTU và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia, giảng viên, sinh viên tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.

Mở đầu hội thảo là phần phát biểu khai mạc của PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Ngoại thương; Ông Werner Zdouc - Giám đốc Chương trình WTO Chair và Ông Béla Hégédus - Phó Tham tán phụ trách hợp tác và hành động văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Trong ngày đầu tiên, hội thảo đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến thương mại và bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định khu vực. Theo đó, chương trình ngày đầu tiên gồm hai phiên và mỗi phiên có nhiều phiên phụ, nơi các chuyên gia và học giả trình bày về các chủ đề khác nhau liên quan đến chủ đề.

Phiên làm việc thứ nhất với trọng tâm chủ đề về “Thương mại và bảo vệ môi trường biển: cách tiếp cận phổ quát bằng các công cụ của luật pháp quốc tế” do GS Michel Trochu - Giáo sư ưu tú của Trường ĐH Tours, nguyên chuyên gia pháp lý của Nghị viện Châu Âu (Pháp) làm chủ trì. Theo đó, các chuyên gia đã thảo luận về các khía cạnh liên quan đến thương mại của trợ cấp thủy sản và tác động đối với môi trường. Tham luận của ông Christian Vidal-Léon - Cố vấn Pháp lý tại Trung tâm Tư vấn Luật WTO (Thụy Sĩ) tập trung phân tích Hiệp định Trợ cấp Thủy sản của WTO. Tham luận tiếp theo thảo luận về viễn cảnh của một quốc gia đang phát triển với ngành đánh bắt hải sản đa dạng được trình bày bởi ông Nguyễn Hà Huệ - Tham tán Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva. Tham luận về nỗ lực của các nước ASEAN trong việc xây dựng chính sách chung cho Hiệp định trợ cấp nghề cá của WTO của bà Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý, Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh. Tham luận “Quy định trợ cấp nghề cá nhằm loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong cơ chế tổ chức thương mại thế giới” được trình bày bởi Trần Phương Ngọc - Giảng viên Luật Thương mại quốc tế, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại Thương. Và tham luận cuối cùng của PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương về những thách thức trong việc thực thi Hiệp định Trợ cấp nghề cá của WTO tại Việt Nam.

Phiên thứ hai được tiếp nối với trọng tâm thảo luận về "Thương mại và Bảo vệ môi trường trong bối cảnh các công cụ pháp lý của khu vực và quốc gia". Theo đó, các chuyên gia đã thảo luận về các công cụ và quy định pháp lý để quản lý và bảo vệ môi trường trong bối cảnh của các hiệp định khu vực và quốc gia. Bà Trần Thị Thùy Dương chủ trì, thảo luận về quản lý các quy định về môi trường và phát triển bền vững trong khuôn khổ pháp lý của EU. Tại đây, các chuyên gia đã đề cập đến khó khăn trong việc thực hiện các nguyên tắc phát triển bền vững được thiết lập trong các hiệp định EU-Châu Á Thái Bình Dương gần đây và các giới hạn bảo vệ môi trường biển trong khu vực. Giáo sư Michel Trochu đã phân tích những khó khăn và thách thức trong việc áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển trong thực tế. Cũng trong khuôn khổ chương trình, GS Danielle Charles le Bihan - Giáo sư ưu tú của Trường ĐH Rennes II (Pháp) đã trình bày về quan hệ đối tác EU-Việt Nam (và EU-ASEAN) và cách tiếp cận mới cho nền kinh tế xanh bền vững ở Liên minh châu Âu. Theo đó, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc quản lý môi trường và phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại và môi trường khu vực. Luật sư Mirella Ribeiro Parente de Vasconcelos - Học viên cao học tại Trường Luật Universidade Federal do Ceará (Brazil) đã trình bày tham luận về “Thị trường carbon xanh từ góc độ Thỏa thuận Paris và Thỏa thuận xanh châu Âu”.

Trong phiên thứ hai, các chuyên gia đã trình bày về các quy tắc quản lý môi trường, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển trong các hiệp định thương mại và môi trường khu vực. Ông Guy Mahoungou - Nghiên cứu sinh, giảng viên luật công của ĐH Paris-Est Créteil, đã trình bày về Thỏa thuận hợp tác nghề cá bền vững của Liên minh châu Âu (SFPA) với các nước châu Phi. Theo đó, ông đã đưa ra các giải pháp để cải thiện hiệu quả của thỏa thuận, bao gồm tăng cường giám sát và kiểm tra, cải thiện trình độ kỹ thuật của người làm nghề cá và đưa ra các chính sách hỗ trợ để giúp các nghề cá bền vững trở nên cạnh tranh hơn. TS Lý Vân Anh - Điều phối viên khoa học và hành chính, Chương trình nghiên cứu về những thách thức mới của toàn cầu hóa kinh tế (NEME), Khoa Luật, Trường ĐH Laval (Canada) chia sẻ về tình hình bảo vệ môi trường biển trong các hiệp định thương mại, đặc biệt là khác biệt giữa các hiệp định truyền thống và các hiệp định thế hệ mới, cụ thể liên quan đến việc tìm hiểu nguyên nhân khiến các hiệp định thương mại truyền thống không thành công trong việc bảo vệ môi trường biển và giới thiệu logic hội nhập trong các hiệp định thế hệ mới có thể giải quyết vấn đề này.

Ngày làm việc đầu tiên của hội thảo khép lại với phần thảo luận sôi nổi giữa các diễn giả và người tham dự xung quanh các vấn đề liên quan đến thương mại và bảo vệ môi trường biển. Hội thảo đã cung cấp cho những người tham dự một cái nhìn tổng quan về các vấn đề này và đưa ra những giải pháp tiếp cận được củng cố bằng các công cụ của luật pháp khu vực và quốc gia.

Bước sang ngày thứ hai của hội thảo (07/04/2023), hội thảo tiếp tục diễn với tiểu phiên về các quy định về môi trường, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển trong pháp luật quốc gia do PGS, TS Ngô Quốc Chiến - Trưởng Bộ môn Pháp luật cơ sở, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương làm chủ trì. Buổi tiểu phiên bắt đầu với tham luận của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam về thẻ vàng của EU đối với sản phẩm thủy sản IUU và biện pháp của Việt Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam đã giới thiệu về quá trình chứng nhận và cấp thẻ vàng cho sản phẩm thủy sản đạt chuẩn quốc tế, cũng như đề cập đến các giải pháp để phát triển ngành thủy sản bền vững và hạn chế tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Tiếp nối chương trình, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương - Giám đốc Ban quản lý WTO Chair - FTU, Trường ĐH Ngoại thương trình bày giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam từ kinh nghiệm của Thái Lan về thu hồi Thẻ vàng IUU, đồng thời giới thiệu một số giải pháp để phát triển ngành thủy sản bền vững, bao gồm việc phát triển chất lượng và giá trị thương phẩm, đẩy mạnh kinh doanh bền vững và tiếp cận thị trường toàn cầu. Ông Nguyễn Khắc Vượt - Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã đưa ra góc nhìn về nguyên nhân, hậu quả và giải pháp chống khai thác IUU ở Việt Nam. Ông Nguyễn Khắc Vượt nhận định các quy định pháp luật cần phải được đưa ra và tuân thủ chặt chẽ để bảo vệ môi trường biển và quản lý tài nguyên biển bền vững. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Vượt cũng đề xuất giải pháp chống khai thác IUU tại Việt Nam.

Phiên thứ ba của hội thảo diễn ra với chủ đề “Thương mại và bảo vệ môi trường biển: Cách tiếp cận cụ thể đối với các mối đe dọa và viễn cảnh cụ thể” gồm 3 tiểu phiên: Tiểu phiên thứ nhất - "Bảo vệ môi trường biển: Hỗ trợ các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu" do PGS Émilie Delcher của ĐH Nantes - Luật và Thay đổi Xã hội (DSC - UMR 6297) làm chủ toạ; Tiểu phiên thứ hai - “Biện pháp cụ thể bảo vệ môi trường biển” do PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương làm chủ trì; Và tiểu phiên thứ ba - “Các biện pháp bảo vệ môi trường biển trong lĩnh vực đầu tư và kỹ thuật số” do PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà chủ trì.

Hội thảo đã mang đến cơ hội để các chuyên gia có thể trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển trong ngành đầu tư và kỹ thuật số, đánh dấu mốc quan trọng trong các hoạt động được tổ chức của Chương trình WTO Chair – FTU.