Sidebar

Magazine menu

24
Wed, Apr

Hội thảo “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng và xử lý tranh chấp”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 11/03/2023, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng Hội pháp luật xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng và xử lý tranh chấp” với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước để đưa ra được các góc nhìn và bài học kinh nghiệm pháp lý về vấn đề này.

 

Tham dự Hội thảo, về phía các diễn giả và khách mời có Giáo sư Rafael Gil Nievas – Luật sư Công ty luật Eversheds Sutherland, Giáo sư Luật tại trường Universidad Pontificia Comillas, Nguyên Phó trưởng ban Trọng tài của Bộ Tư pháp Tây Ban Nha; Ông Markus Burgstaller – Luật sư thành viên Hogan Lovells; Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Vũ Châu Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Lê Bách Cương – Trưởng phòng pháp chế đấu thầu, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải. Về phía Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam, có ông Nguyễn Nam Trung - Chủ tịch Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam. Về phía trường Đại học Ngoại thương, có sự tham gia của TS Hà Công Anh Bảo – Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Luật; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó Trưởng Khoa Luật; PGS, TS Ngô Quốc Chiến – Trưởng Bộ môn Pháp luật cơ sở cùng các giảng viên, sinh viên và người quan tâm.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Hà Công Anh Bảo chia sẻ rằng mô hình Đối tác công tư (PPP) đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1990, tuy nhiên chưa được triển khai rộng rãi cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BTO, BT. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển PPP, gần đây nhất có Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về đầu tư theo hình thức Đối tác công tư. TS Hà Công Anh Bảo cũng cho biết nhiều dự án PPP đã được triển khai tại Việt Nam, bao gồm dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án sân bay Long Thành, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, và nhiều dự án khác trong lĩnh vực năng lượng, y tế, giáo dục và giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai PPP vẫn còn nhiều thách thức và vấn đề phải giải quyết, bao gồm vấn đề pháp lý, quản lý rủi ro, thu hút nguồn vốn, và đảm bảo sự minh bạch và trung thực trong quản lý dự án hay giải quyết tranh chấp.


Thầy tin tưởng rằng Hội thảo đã đánh dấu cho sự hợp tác đầu tiên giữa Trường ĐH Ngoại thương và Hội pháp luật xây dựng Việt Nam để từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Khoa Luật luôn mong muốn cộng tác và đón chào sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển đào tạo luật ở Việt Nam.

Được tổ chức song ngữ Anh – Việt, Hội thảo được chia ra làm hai phiên thảo luận sôi nổi: Phiên thứ nhất với chủ đề “Bài học kinh nghiệm từ những tranh chấp giữa Nhà đầu tư và cơ quan Chính phủ các nước” do LS Nguyễn Nam Trung chủ trì; Phiên thứ hai với chủ đề “Hợp đồng giữa cơ quan ký hợp đồng với Nhà đầu tư trong dự án PPP tại Việt Nam” dưới sự chủ trì của TS Hà Công Anh Bảo.

Là các chuyên gia đã tham gia nghiên cứu và soạn thảo Luật và Nghị định PPP cũng như tham gia quản lý các dự án đầu tư BOT, Bà Vũ Quỳnh Lê, Bà Vũ Châu Quỳnh và Ông Lê Bách Cương đã cung cấp thông tin về các yêu cầu chung đối với hợp đồng và điều khoản xử lý tranh chấp giữa các bên trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư ban hành theo nghị định 35/2021/NĐ-CP, cũng như một số quy định đặc thù trong mẫu hợp đồng BOT trong các dự án giao thông vận tải ban hành theo thông tư 22/2022/TT-BGTVT.


Tại hội thảo, người tham dự cũng được lắng nghe chia sẻ bài học kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về những tranh chấp giữa Nhà đầu tư và cơ quan Chính phủ một số nước (Tây Ban Nha, Thái Lan) và những lưu ý trong việc thương thảo hợp đồng giữa các cơ quan ký hợp đồng và Nhà đầu tư từ Ông Rafael Gil Nievas và Ông Markus Burgstaller.