Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

Tọa đàm khoa học “Tự do hóa thương mại vì sự phát triển và hội nhập kinh tế vùng”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

 Sáng ngày 7/12/2022, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng Viện FNF Việt Nam (Friedrich Naumann Foundation vì Freedom) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Tái xây dựng tự do hóa kinh tế Châu Á trong kỷ nguyên lạm phát, xung đột và Chủ nghĩa dân tộc kinh tế”, nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự do hóa thương mại vì sự phát triển và hội nhập kinh tế vùng”.

 

 Tham dự Tọa đàm, về phía Viện FNF Việt Nam có GS, TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF); Bà Linh Bùi - Quản lý dự án FNF Vietnam. Bên cạnh đó, tọa đàm còn có sự hiện diện của các chuyên gia kinh tế, thương mại đến từ nhiều tổ chức trong nước và quốc tế như: Ông Tom Palmer - Phó Chủ tịch, Atlas Network; ông Fred McMahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada); Ông Rainer Heufers - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Indonesia (CIPS);...

 

Về phía đại diện cơ quan chính phủ có Bà Nguyễn Lan Phương - Vụ chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Từ Thúy Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế; Trưởng, Phó một số đơn vị trong trường, đông đảo giảng viên, sinh viên và người quan tâm đến chủ đề tọa đàm.

 Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của tọa đàm trong bối cảnh hậu Đại dịch Covid-19. Chủ đề của tọa đàm đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, nơi có mạng lưới sản xuất toàn cầu nổi bật. Việc tổ chức tọa đàm khoa học này nằm trong các hoạt động nhằm thực hiện Chiến lược phát triển của Trường ĐH Ngoại thương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với tầm nhìn trở thành một trường đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á. Theo đó, Nhà trường đặt mục tiêu trở thành trung tâm dẫn đầu nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Thầy cũng thay mặt tập thể lãnh đạo Nhà trường gửi lời cảm ơn tới Viện FNF Việt Nam đã phối hợp cùng Nhà trường tổ chức sự kiện ý nghĩa này, cũng như cảm ơn các học giả đã dành thời gian tham dự và trao đổi tại tọa đàm.

 

Tọa đàm đã lắng nghe 03 bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Phần thảo luận bàn tròn diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các đại diện đến từ Viện FNF Việt Nam, đại diện từ Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Việt Nam, Viện dân chủ và kinh tế Malaysia, Trung tâm nghiên cứu chính sách Indonesia, Mạng lưới Atlas, Quỹ nghiên cứu tự do kinh tế Hoa Kỳ.

 Tại tọa đàm, các diễn giả đã trao đổi những nội dung, như: gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan để thúc đẩy thương mại, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới hoạt động thương mại quốc tế giữa các quốc gia, sự xuất hiện của nhiều rào cản thương mại quốc tế mới, những vấn đề các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đối mặt trong thời gian vừa qua, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp ASEAN nói chung đang là các đối tượng quan trọng và cần được bảo vệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

 

Trên cơ sở những chia sẻ từ phía các đối tác quốc tế và trong nước, tọa đàm cũng đặt ra những vấn đề như xem xét lại vai trò của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng như kinh nghiệm của các nước ASEAN cho Việt Nam.