Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

Hội nghị thường niên các nhà Kinh tế Việt Nam năm 2022

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Từ ngày 22/11 đến ngày 24/11/2022, Hội nghị thường niên các nhà Kinh tế Việt Nam năm 2022 (Vietnam Economist Annual Meeting - VEAM) đã diễn ra tại trường ĐH Ngoại thương.

Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm dành cho các nhà kinh tế Việt Nam và nước ngoài nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.

Lần đầu tiên sau thời gian dài tạm dừng tổ chức vì đại dịch Covid-19, Hội nghị VEAM năm 2022 được Trường ĐH Ngoại thương (FTU), Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), và Trường kinh doanh IPAG (Cộng Hoà Pháp) đồng chủ trì tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường đã gửi lời chào mừng tới các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đã đến tham dự VEAM 2022. Thực hiện chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2040, trường ĐH Ngoại thương định hướng phát triển trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao tri thức về kinh tế và kinh doanh uy tín ở Việt Nam và khu vực châu Á; trở thành điển hình cả nước về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. PGS, TS Lê Thị Thu Thủy kỳ vọng rằng hội nghị sẽ là một diễn đàn quốc tế để các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên khối ngành kinh tế trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế hiện nay cũng như tạo lập mạng lưới kết nối các nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước. Cô cũng gửi lời cảm ơn tất cả các bên liên quan đã phối hợp với trường ĐH Ngoại thương để tổ chức hội nghị quốc tế này.

Nội dung của hội nghị chia làm 2 phần, Các phiên chính của Hội nghị và chuỗi hoạt động bên lề.
Các phiên chính của hội thảo được tổ chức dưới cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp, thu hút hơn 150 nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia, nhà khoa học, hoạch định chính sách nổi tiếng đến từ nhiều trường đại học, cơ quan nghiên cứu lớn ở trong và ngoài nước như University of Pennsylvania, University of Minnesota, UNSW Sydney, Ipag Business School, CNRS…, tạp chí hàng đầu trên thế giới như American Economic Review, tổ chức quốc tế như World Bank, UNDP, GIZ…, cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trao đổi về những vấn đề kinh tế có tính chất thời sự và nổi bật trên phạm vi toàn cầu, trong khu vực và của Việt Nam.

Một số tham luận, bài trình bày nổi bật như: Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các vấn đề tăng trưởng, lạm phát, thương mại, đầu tư, thất nghiệp, an sinh xã hội, môi trường; Biến đổi khí hậu toàn cầu với vấn đề năng lượng, sản xuất, đầu tư, và thích ứng của nền kinh tế; Biến động của nền kinh tế toàn cầu và hàm ý cho sự phát triển của Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực đối với vấn đề tăng trưởng, bất bình đẳng kinh tế - xã hội, nghèo đói; Can thiệp phi tiền tệ để thúc đẩy các hành vi hướng tới phát triển bền vững…

Bên cạnh các phiên chính, hội nghị năm nay còn tổ chức chuỗi các hoạt động bên lề. Gồm: Các khóa đào tạo Kinh tế học Hành vi do GS Luigi Mittone - ĐH Trento (Ý) giảng dạy; Khóa đào tạo Đánh giá tác động do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ mời GS Paul Glewwe - ĐH Minnesota (Hoa Kỳ) tham gia giảng dạy; Buổi đào tạo những kiến thức kinh tế vi mô cơ bản cho sinh viên Trường ĐH Ngoại thương do GS Lê Văn Cường - Ipag Business School (Cộng Hoà Pháp) giảng dạy; Buổi giới thiệu Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (Journal of International Economics and Management - JIEM) của Trường ĐH Ngoại thương, giới thiệu sách mới xuất bản của GS Lê Văn Cường và GS Trần Nam Bình; Các phiên tư vấn của các giáo sư cho các nhóm sinh viên tham dự Cuộc thi Call of Science 2022 của Trường ĐH Ngoại thương.

Tại buổi lễ bế mạc chiều ngày 24/11/2022, Ban tổ chức đã trao 03 giải nhất cho các nhà khoa học trẻ có bài nghiên cứu có chất lượng tốt nhất, trong đó có 01 giải thuộc về TS Nguyễn Vân Hà - Giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng, trường ĐH Ngoại thương. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 03 giải khuyến khích cho các bài nghiên cứu có chất lượng tốt, trong đó có một bài nghiên cứu mà TS Phạm Cẩm Anh - Giảng viên Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế trường ĐH Ngoại thương là tác giả.

Qua gần 15 năm xây dựng và phát triển, Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam đã và đang trở thành diễn đàn học thuật uy tín hàng đầu dành cho giới nghiên cứu trên toàn thế giới. Đây là nơi các công trình nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận kiến thức được đưa ra, nhằm hướng tới sự hiểu biết sâu sắc hơn về những vấn đề kinh tế và xã hội khác nhau có ảnh hưởng đến Việt Nam, cũng như quốc tế.