Sidebar

Magazine menu

24
Wed, Apr

Hội nghị Khoa học sinh viên ngành Luật năm học 2022 - 2023

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 14/11/2022, Hội nghị Khoa học sinh viên ngành Luật lần thứ 4, năm học 2022 - 2023, với chủ đề “Những vấn đề pháp lý về đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp” do Khoa Luật, trường ĐH Ngoại thương chủ trì đã chính thức diễn ra sau hơn 3 tháng phát động và triển khai.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ nghiên cứu và kết nối nghề Luật năm 2022, hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Luật.

Tham dự Hội nghị, về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; TS Hà Công Anh Bảo - Phó Trưởng Khoa Phụ trách Khoa Luật; PGS, TS Bùi Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng Khoa luật; Trưởng, Phó một số đơn vị trong trường cùng các giảng viên, cán bộ và các bạn sinh viên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh chiến lược phát triển trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 khẳng định “sáng tạo” là sợi chỉ xuyên suốt, được thể hiện từ quan điểm xây dựng chiến lược, đến sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục, giá trị cam kết… Đặc biệt, một trong những mục tiêu chiến lược mà Nhà trường đặt ra là “trở thành điển hình cả nước về hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp”. Hội nghị khoa học sinh viên ngành Luật với chủ đề “Những vấn đề pháp lý về đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp” đã thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu và chuyển giao tri thức khi góp phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý thuyết hay thực tiễn cho nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo hay khởi nghiệp có thể được thực hiện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cô Hương cũng gửi lời chúc mừng với sự thành công của hội nghị khi thu hút được sự tham gia đông đảo các sinh viên/nhóm sinh viên đam mê nghiên cứu luật học và chất lượng bài viết ngày càng nâng cao trong lần thứ 4 tổ chức.

Tại Hội nghị, TS Hà Công Anh Bảo, đại diện BTC gửi lời cảm ơn tới Đảng ủy, Ban lãnh đạo Nhà trường, các phòng ban chuyên môn, đơn vị trong và ngoài trường, các quý vị giám khảo, các chuyên gia pháp lý, nhà tài trợ, nhà bảo trợ chuyên môn và truyên thông đã đồng hành cùng BTC trong suốt thời gian qua. Và đặc biệt, thầy ghi nhận những đóng góp của các bạn thành viên CLE và các bạn cộng tác viên của Hội nghị đã luôn nhiệt tình, trách nhiệm để tham gia tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên một cách tốt nhất.

Hội nghị năm nay đã thu hút sự quan tâm của hơn 132 sinh viên đến từ 12 cơ sở đào tạo luật của cả ba miền, như: Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Luật Hà Nội; Trường ĐH Luật thành phố Hồ Chí Minh; Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội; Học viện Ngoại giao; Học viện Ngân hàng; Trường ĐH Công đoàn, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Trường ĐH Luật, ĐH Huế; ĐH Cần Thơ… Ban tổ chức đã được lựa chọn ra 65 đề xuất nghiên cứu tốt nhất từ gần 100 đề xuất đăng ký để phát triển thành bài viết. Trải qua quá trình hướng dẫn, 56 bài viết hoàn chỉnh đã được gửi tới cho Ban Tổ chức. Sau quá trình phản biện và chỉnh sửa nghiêm túc, 46 bài viết chất lượng đã được đưa vào Kỷ yếu của Hội nghị. So với Hội nghị Khoa học sinh viên ngành Luật lần thứ ba, năm học 2021 - 2022, Hội nghị năm nay đã tăng cả về số lượng đề xuất, số lượng bài viết trong kỷ yếu và số cơ sở giáo dục đại học có sinh viên tham dự. Thành quả này ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của Hội nghị Khoa học sinh viên ngành Luật. Thông qua Hội nghị, sinh viên không chỉ được nâng cao kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng tư duy, kết nối với nhiều bạn bè mà còn có cơ hội được làm việc với các chuyên gia là các Luật sư hàng đầu trong lĩnh vực luật pháp.

Tại Hội nghị, người tham dự đã được lắng nghe phần trình bày của 12 đội thi xuất sắc với 12 đề tài tiêu biểu đến từ các trường đại học khác nhau. Tổng hợp đánh giá từ Ban tổ chức và các chuyên gia, 4 bài viết xuất sắc nhất đã thuộc về:

+ Nhóm sinh viên: Nguyễn Thị Minh Trang; Tăng Quỳnh Trang; Phạm Ngọc Linh với đề tài “Gọi vốn cộng đồng: Rủi ro pháp lý và một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam”;

+ Nhóm sinh viên: Hồ Ngọc Khánh Đoan; Trần Quang Huy với đề tài: “Chế định miễn trách nhiệm cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”;

 + Nhóm sinh viên: Nguyễn Trang Linh, Hoàng Hà Anh với đề tài: “Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về “Greenwashing” tại Việt Nam”;

 + Sinh viên Hoàng Nguyễn Hiếu Nhi với đề tài: “Hoạt động gọi vốn cộng đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất dành cho Việt Nam”.

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ nghiên cứu và kết nối nghề Luật năm 2022, Khoa Luật đã kết hợp cùng các đơn vị trong và ngoài trường tổ chức chuỗi tọa đàm khoa học: Tọa đàm khoa học: "Giảng dạy các quy định về Quyền con người trong một số môn học thuộc chương trình ngành Luật " diễn ra ngày 15/11/2022; Tọa đàm khoa học: "Giảng dạy và học tập các học phần Tiếng anh Pháp lý trong chương trình V-LEX" diễn ra ngày 17/11/2022; Tọa đàm khoa học: "Phát triển chương trình Chất lượng cao Luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-LEX)" thuộc Tuần lễ nghiên cứu và kết nối nghề Luật diễn ra ngày 18/11/2022; Tọa đàm khoa học: "Phát triển chương trình Chất lượng cao Luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-LEX)" thuộc Tuần lễ nghiên cứu và kết nối nghề Luật diễn ra ngày 19/11/2022.