Sidebar

Magazine menu

20
Sat, Apr

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến thăm và chia sẻ với sinh viên trường ĐH Ngoại thương

Sự kiện tiêu biểu

Ngày 19/04/2023, Ngài Thomas J. Vilsack - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đến thăm và có bài chia sẻ về chủ đề “Vietnam's Vibrant Future for the Next Generation” (Tương lai sôi nổi cho thế hệ trẻ Việt Nam) cho hơn 370 sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.


Tham dự tiếp đón Ngài Bộ trưởng, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế; Trưởng, Phó các đơn vị trong Trường, cùng các giảng viên, sinh viên Nhà trường.


Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam, cũng như đánh dấu kỷ niệm 15 năm Trường Đại học Ngoại thương có hợp tác đầu tiên với 2 đại học của Hoa Kỳ là ĐH California State University, Fullerton và ĐH Colorado State University, hai đối tác chiến lược triển chương trình đào tạo tiên tiến bậc cử nhân của Nhà trường.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác về nông nghiệp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia trong việc cùng nhau thúc đẩy ưu tiên chung về vấn đề an ninh khu vực, thịnh vượng, ứng phó biến đổi khí hậu và thắt chặt quan hệ giữa nhân dân hai nước.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Vilsack trao đổi với sinh viên về tầm quan trọng của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đối với thế hệ lãnh đạo tương lai và tầm quan trọng của sáng tạo nông nghiệp và thương mại trong việc đảm bảo tương lai bền vững, thân thiện với môi trường, và an ninh lương thực. Ngài Bộ trưởng cho biết đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam, và mỗi lần ông đều thán phục trước sự phát triển và sức sống mạnh mẽ của đất nước Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt – Hoa Kỳ, đồng thời cũng là thời điểm then chốt trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nông nghiệp. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, với các vấn đề nhức nhối, như từ biến đổi khí hậu đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn do COVID-19 và xung đột ở Ukraine.… đã đưa an ninh lương thực trở thành vấn đề cần chú ý. Đặc biệt khi chi phí đầu vào và năng lượng tăng và tất cả các vấn đề đang diễn ra trong chuỗi cung ứng đã kết hợp lại, mang đến nhiều thách thức chưa từng có cho toàn cầu.


Tuy nhiên, ông cho rằng đây là thời điểm tuyệt vời để Việt Nam và Mỹ tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác hơn nữa. Ông cho rằng Mỹ và Việt Nam đã cùng nhau đạt được rất nhiều thành tựu trong hơn 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện, để thúc đẩy các ưu tiên chung, từ an ninh khu vực đến thương mại và các vấn đề kinh tế, và gần đây nhất là chống biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cho rằng trụ cột hợp tác thương mại tạo cơ hội để giảm các hàng rào phi thuế quan nhằm hỗ trợ thương mại, nhất là những sản phẩm thông minh được tạo ra một cách bền vững. Các quốc gia cần tăng cường quan hệ và kết nối quốc tế. Trong đó, thế hệ trẻ, những người đã tiếp cận với tri thức toàn cầu, là yếu tố đặc biệt cần thiết cho sự phát triển trong mọi lĩnh vực trên thế giới.
Bộ trưởng Thomas J. Vilsack khẳng định, Mỹ cam kết chia sẻ thông tin và cách làm tốt nhất với Việt Nam để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông nhắc đến sáng kiến mới của Mỹ mang tên Đối tác nông nghiệp thông minh về khí hậu, một chương trình được thiết kế để tạo ra và tiếp thị những sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững..
Bộ trưởng Vilsack cho biết, sáng kiến nông lâm sản thông minh về khí hậu là chương trình mang tính khuyến khích và định hướng thị trường, để tạo ra các sản phẩm bằng phương pháp thông minh về khí hậu. Theo đó, Mỹ sẽ giám sát, đo lường và thẩm định kết quả của những cách làm như vậy, chia sẻ những cách làm tốt nhất của nông dân Mỹ, đồng thời cũng học hỏi từ nông dân các nước khác.
Cũng tại sự kiện, 3 nữ sinh tài năng của Trường Đại học Ngoại thương đã chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cùng các đại biểu tham dự những câu chuyện, dự án và hành trình theo đuổi đam mê của mình.
Các em đều có niềm đam mê lớn trong nghiên cứu và tạo ra doanh nghiệp xã hội liên quan chặt chẽ đến đổi mới nông nghiệp, thương mại, sáng kiến, dự án khởi nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, dự án Musa Pacta về sản xuất sợi chuối và các sản phẩm từ sợi chuối của em Đỗ Thị Trang (sinh viên K58 chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương) từng đạt các giải thưởng: Top 7 toàn cầu của Social business creation, 2022; The Growth-Oriented Social Business, Hec Montreal University, Canada 2022; Giải 3 cuộc thi Hòa Lạc startup challenge, 2022; The Winner of National round and Vietnamese representative for regional round, Climate Launchpad 2022 - the biggest green competition in the world, 2022.

Em Nguyễn Hương Giang, sinh viên K58 Chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Tổng hợp Colorado (Hoa Kỳ) có nghiên cứu đầu tay về các biện pháp phi thuế quan. Trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Giang đã chia sẻ về đam mê trở thành một nhà kinh tế để xem xét các chính sách thương mại tác động đến doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Em Bùi Phương Anh, sinh viên K60 chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế có phần trình bày về “Nam Tural” - dự án tái chế rơm rạ được thực hiện bởi sinh viên và cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương.
Dự án này tận dụng nguồn rơm rạ dồi dào đang bị lãng phí ở Việt Nam để tạo ra những sản phẩm mồi lửa thiên nhiên dễ bắt cháy, cháy bền và nhỏ gọn, dễ bảo quản. Đồng thời, tạo thêm sinh kế cho bà con nông dân, giảm thiểu ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ gây ra.


Cũng trong khuôn khổ chương trình, các bạn sinh viên Trường ĐH Ngoại thương đã mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi xung quanh chủ đề phát triển bền vững, chính sách nông nghiệp của Hoa Kỳ, cùng các lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam khi muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp,…
“Những dự án mà các em trình bày hôm nay chỉ là 3 ví dụ thực tế về hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như hoạt động nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Sắp tới, nhà trường sẽ đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động này”, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ.
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay, trong hoạt động đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương tập trung vào các nguyên tắc quan trọng.
Thứ nhất, xây dựng chương trình đào tạo dựa trên nguyên tắc căn bản mở và linh hoạt, giúp sinh viên có nền tảng vững chắc và thích ứng được với sự thay đổi của môi trường, thị trường. Bên cạnh đó, các em có được khả năng tự học và học tập suốt đời.
Thứ hai, triết lý đào tạo của nhà trường là khai phóng, gắn liền với thực tiễn và nuôi dưỡng sự trung thực, tinh thần trách nhiệm, năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên. Bên cạnh việc đổi mới hàng năm, Trường Đại học Ngoại thương đưa vào chương trình đào tạo chính khóa những môn học về đổi mới sáng tạo.
Nhà trường cũng tăng cường sự gắn kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thông qua những mô hình cụ thể, mỗi chương trình đào tạo đều có một mô hình gắn kết giữa trường và doanh nghiệp.
Thứ ba, hội nhập quốc tế là một trong những yếu tố rất quan trọng của sinh viên Ngoại thương. “Những chương trình đào tạo của chúng tôi phải đáp ứng được yêu cầu không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Hiện nay, các chương trình định hướng ứng dụng và định hướng nghề nghiệp của trường đã đạt được các tiêu chuẩn, yêu cầu của tổ chức nghề nghiệp quốc tế”, PGS Tuấn thông tin.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Ngoại thương cũng hướng tới việc giúp sinh viên có tư duy khởi nghiệp, sáng tạo. Hiện nhà trường đã có một trung tâm về sáng tạo và ươm tạo để hỗ trợ cho ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, tổ chức những cuộc thi về khởi nghiệp hàng năm,…
-----